Trong 9 tháng đầu năm, vốn đầu tư thực hiện của các dự án đầu tư nước ngoài (FDI) tại Việt Nam đã đạt mức cao kỷ lục, trong đó Hải Phòng chiếm vị trí “quán quân”, dẫn đầu cả nước. Thị trường BĐS tại Hải Phòng, đặc biệt là tại Đồ Sơn - với những "ưu ái" trong việc phát triển, đầu tư hạ tầng từ QĐ 353 của TTCP - chắc chắn sẽ được hưởng lợi.
Vốn FDI thực hiện cao kỷ lục
Số liệu từ Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho biết, trong 9 tháng đầu năm, vốn đầu tư thực hiện của các dự án đầu tư nước ngoài (FDI) tại Việt Nam đã đạt mức cao kỷ lục hơn 15,9 tỷ USD, cao nhất trong giai đoạn 2018-2023 .
Bên cạnh đó, tính đến 20/9/2023, tổng vốn đăng ký cấp mới, điều chỉnh và góp vốn mua cổ phần, mua phần vốn góp của nhà đầu tư nước ngoài đạt gần 20,21 tỷ USD, tăng 7,7% so với cùng kỳ.
Trong 9 tháng, có 2.254 dự án mới được cấp giấy chứng nhận đầu tư (tăng 66,3% so với cùng kỳ), với tổng vốn đăng ký đạt hơn 10,23 tỷ USD (tăng 43,6% so với cùng kỳ) và 2.539 giao dịch góp vốn mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài với tổng giá trị vốn góp đạt hơn 4,82 tỷ USD (tăng 47% so với cùng kỳ).
Nhận định về tình hình thu hút đầu tư nước ngoài của Việt Nam, Cục Đầu tư nước ngoài cho biết, các dự án đầu tư mới vẫn tập trung vào các tỉnh, thành phố có nhiều lợi thế trong thu hút đầu tư nước ngoài, như Hà Nội, Hải Phòng, TP.HCM, Bắc Giang, Bình Dương…
Đây đều là các địa phương có cơ sở hạ tầng tốt, nguồn nhân lực ổn định, nỗ lực cải cách thủ tục hành chính và năng động trong công tác xúc tiến đầu tư…
“Quán quân” FDI gọi tên Hải Phòng
Trong ngày 22/9 vừa qua, Ban Quản lý Khu kinh tế Hải phòng đã trao giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho các dự án FDI với tổng vốn đầu tư lên tới gần 1,4 tỷ USD. Theo Báo điện tử Chính phủ, với 1,4 tỷ USD này, tổng vốn FDI của Hải Phòng từ đầu năm đến nay đã lên khoảng 3 tỷ USD, đưa thành phố trở thành "quán quân" FDI, dẫn đầu cả nước.
Năm 2023 cũng là năm tổng kết 30 năm thu hút đầu tư nước ngoài vào các khu công nghiệp, kinh tế Hải Phòng. Trong suốt khoảng thời gian này, Hải Phòng đã thu hút hơn 1.000 dự án FDI với tổng vốn đầu tư gần 28 tỷ USD.
Trong số các dự án FDI đáng chú ý nhất hôm 22/9 là dự án của tập đoàn SK (lớn thứ 2 của Hàn Quốc, chỉ sau Samsung), với tổng vốn 500 triệu USD.
Cuộc chuyển mình 'chưa từng có
Theo ông Bjorn Koslowski, Phó trưởng đại diện Phòng Thương mại và Công nghiệp Đức tại Việt Nam (AHK Vietnam), thành phố Hải Phòng trước đây không được nhiều người nước ngoài biết đến. Trên phạm vi quốc tế, Hải Phòng thường được nhắc tới như "cửa ngõ của Hà Nội".
Tuy nhiên, là thành phố lớn thứ 3 của Việt Nam với khoảng 2.000 năm lịch sử, Hải Phòng chắc chắn là một đô thị lớn theo đúng nghĩa đen. Sau chính sách Đổi Mới của Việt Nam năm 1986 thì tới năm 1990, hai vùng kinh tế trọng điểm đầu tiên là "TP.HCM - Đồng Nai - Bà Rịa Vũng Tàu" ở miền Nam và "Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh" ở miền Bắc đã được công bố, đưa thành phố Hải Phòng trở thành mũi nhọn trong tiến trình hiện đại hóa kinh tế của Việt Nam.
Vị trí địa lý có lẽ là lợi thế lớn nhất của Hải Phòng. Những tuyến đường thủy qua sông Lạch Tray, sông Cấm và sông Bạch Đằng kết nối Hải Phòng với các khu vực còn lại của miền Bắc Việt Nam. Trong khi đó, thành phố nằm ở vịnh Bắc Bộ, thuận lợi tiếp cận miền nam Trung Quốc và một số khu vực ở Đông Nam Á.
Có thể nói, Hải Phòng giữ vị trí chiến lược trong vai trò cửa khẩu xuất khẩu cho miền Bắc Việt Nam và Tây Nam Trung Quốc.
Hiện nay, Hải Phòng đã nổi lên như một cửa ngõ thương mại và thành phố công nghiệp hiện đại. Một lợi thế nổi bật nữa của Hải Phòng là hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại, đặc biệt là hệ thống cảng biển nước sâu Lạch Huyện hiện đang được thực hiện tới 8 bến và đang tiếp tục kêu gọi đầu tư xây dựng các bến tiếp theo.
Cùng với đó là Cảng Hàng không quốc tế Cát Bi, hệ thống đường cao tốc, đường bộ kết nối thuận tiện với cả vùng, miền bắc và cả nước, hệ thống giao thông thủy cũng khá thuận lợi…
SouthEast Asia Globe nhận định, tầm nhìn dài hạn và định hướng xuất khẩu đã đưa Hải Phòng trở thành một trong những thành phố phát triển nhanh nhất Việt Nam kể từ năm 2015, xét về GDP. Sự tăng trưởng của thành phố là một phần trong quá trình chuyển đổi miền Bắc thành điểm nóng FDI những năm gần đây.
Với dự án của SK và một số dự án được trao giấy chứng nhận đăng ký đầu tư trong tháng 9- 2023, Hải Phòng hoàn thành vượt mức chỉ tiêu thu hút vốn FDI năm 2023. Dự kiến sắp tới, sẽ có thêm hàng loạt các dự án FDI lớn nữa vào thành phố.
Là thành phố cảng toàn cầu, giàu tiềm lực kinh tế nhưng thị trường BĐS nghỉ dưỡng, vui chơi giải trí tại Hải Phòng đang phát triển chưa xứng với tiềm năng và còn nhiều dư địa phát triển. Sự xuất hiện của Khu đô thị phức hợp thể thao, VCGT và du lịch biển của miền Bắc KDL Quốc tế Đồi Rồng - Dragon Ocean Đồ Sơn trong thời gian tới sẽ là lời giải cho cơn khát định danh trên bản đồ du lịch Quốc tế dành cho Hải Phòng.
Theo CafeF